Thế nhưng, trước khi ra mắt Foody.vn, chúng tôi cũng mất gần 4 năm chuẩn bị, từ khâu thu thập dữ liệu chính xác (địa chỉ điểm ăn uống, món ăn, giờ hoạt động…) cho đến lúc thuyết phục được nhà đầu tư. Song, điều khó khăn nhất có lẽ là thu hút và khuyến khích người dùng chia sẻ ý kiến đánh giá trên Foody.vn.
Giai đoạn đầu, chúng tôi đã tạo ra các giải thưởng, tích lũy điểm đổi voucher, nếu người dùng chia sẻ, họ sẽ có quyền lợi đi kèm. Cho nên, vấn đề ở đây không đơn thuần là bạn tạo ra một sản phẩm, một ý tưởng mà là nó có thể thu hút được người dùng hay không.
– Nguyễn Dương Huy Vũ: Mục đích cuối cùng của các quỹ đầu tư cũng là kinh doanh, trong khi các dự án công nghệ thông tin đòi hỏi phải mất rất nhiều thời gian mới thu hồi vốn, và phải liên tục cải tiến, nâng cấp đầu tư công nghệ.
Vì vậy, nếu đầu tư cho các dự án chưa có người mua, phải rất lâu mới thu được lợi nhuận, rút vốn khó và phải liên tục đầu tư nên rất ít quỹ muốn đầu tư. Đó là thách thức. Bên cạnh đó, các dự án startup còn gặp khó khăn chung là thiếu vốn phát triển, thiếu kỹ năng, kiến thức về tất cả các lĩnh vực, ý tưởng cũng chưa xuất sắc như những người đi trước nên tỷ lệ thành công thấp.
– Gần đây, Việt Nam đã triển khai dự án “Thung lũng Silicon” đầy tham vọng: Một kế hoạch toàn diện để đưa quốc gia này từ chỗ chuyên gia công linh kiện điện tử cho nước ngoài trở thành một trung tâm của nền kinh tế số. Các anh đánh giá thế nào về dự án này, nó là tham vọng hay xuất phát từ tiềm năng thực sự của giới trẻ Việt Nam cần có một điểm kích hoạt để bùng nổ?
– Nguyễn Dương Huy Vũ: Theo tôi, giới trẻ Việt Nam có tinh thần học hỏi, thông minh, nhạy bén, đó là tiềm năng, nhưng thực sự họ chưa giỏi. Lấy ví dụ, một công ty của Việt Nam chỉ có vài ba cấp, trong khi ở Mỹ, một công ty công nghệ của họ có đến 200 cấp, và người cấp càng cao càng có nhiều ý tưởng xuất sắc.
Vậy thử so sánh một người giỏi của công ty ở Mỹ với một người giỏi ở công ty Việt Nam sẽ thấy chênh lệch thế nào. Bên cạnh đó, để khai thác tiềm năng và để hiện thực hóa tham vọng còn đòi hỏi nhiều yếu tố quan trọng nữa mới kích hoạt được tiềm năng bùng nổ.
Trong đó, điều quan trọng đầu tiên là phải có người lãnh đạo, vậy ai sẽ là người cam kết chịu trách nhiệm dẫn dắt đội ngũ thực hiện tham vọng này? Hai là nếu có lãnh đạo thì người đó có chuyên môn cao không và người cố vấn, giúp sức cho lãnh đạo là ai?
– Huỳnh Lâm Hồ: Tôi đánh giá đây là hoạt động tạo một nền tảng hay có thể nói là xương sống trong hành trình biến đổi quốc gia có nền kinh tế số.
Tôi không nghĩ sẽ có một điểm kích hoạt để bùng nổ mà phải là một sự nỗ lực trường kỳ, chủ động, mạnh mẽ, có sự phối hợp với các doanh nghiệp thành công trong nước hay ngoài nước và tạo ra những hoạt động để lan tỏa đến tâm trí các bạn trẻ, nung nấu ý chí khởi nghiệp công nghệ của họ.
Thị trường Việt Nam cần có sự chia sẻ kinh nghiệm thực tế từ các doanh nghiệp, cần lập ra những đội ngũ tư vấn hay thậm chí một học viện trực tuyến kiến thức, kinh nghiệm để đón nhận sự đóng góp và chia sẻ từ khắp cả nước.
Thay đổi được thế giới hay không?
– Đối với những công ty startup của Việt Nam, đâu là những trở ngại khi mở rộng thị trường sang nước ngoài?
– Đặng Hoàng Minh: Ngay như Foody.vn, khi mở rộng thị trường ra nước ngoài, chúng tôi cũng phải tìm hiểu kỹ về tính tương đồng với thị trường Việt Nam. Foody.vn chủ yếu nhắm đến khách hàng địa phương nên điều chúng tôi cần là hiểu tâm lý, thị hiếu của người dùng địa phương, do đó, cái khó là xây dựng đội ngũ nhân sự tại chỗ để nắm những yếu tố này.
Chúng tôi chọn Indonesia là thị trường đầu tiên trong chiến lược mở rộng thị trường ra nước ngoài vì Indonesia có quy mô dân số đông (Việt Nam cũng thế), cơ sở hạ tầng cũng tương đồng với Việt Nam. Hiện, chúng tôi đang thu thập dữ liệu ở thị trường Indonesia với 20 nhân sự địa phương đang làm việc cho Foody.
– Cũng có bình luận: “Chỉ có thúc đẩy cùng lúc sản xuất nông nghiệp với công nghệ cao mới có thể giúp Việt Nam thoát ra khỏi bẫy thu nhập trung bình. Đây chính là thời điểm Việt Nam cần gia nhập cuộc đua công nghệ. Những nước nào không thể thay đổi trong một thế giới được dẫn dắt bởi công nghệ sẽ rơi vào vòng đói nghèo và tụt hậu tất yếu”. Các anh nghĩ sao về cơ hội hội nhập đang mở rộng với hàng loạt hiệp định FTA và TPP, là thách thức hay thuận lợi cho những người khởi nghiệp Việt Nam?
– Đặng Hoàng Minh: Theo tôi, Cộng đồng Kinh tế ASEAN được thành lập vào cuối năm nay sẽ tác động đến các công ty startup. Theo đó, thị trường tuyển dụng và lao động sẽ thoáng hơn, chúng tôi cũng dễ dàng tuyển được nhân sự giỏi. Ngược lại, nếu lao động nước ngoài vào Việt Nam sẽ giúp chất lượng lao động trong nước được nâng lên vì ta buộc phải cải thiện để cạnh tranh.
Ngoài ra, cộng đồng startup cũng sẽ sôi động hơn và cạnh tranh tăng lên vì có thể những ý tưởng, dự án khởi nghiệp từ các nước láng giềng sẽ vào khai thác thị trường Việt Nam. Nhưng như thế cũng tốt vì đôi khi đứng một mình, bạn không biết mình đang ở đâu.
– Huỳnh Lâm Hồ: Tôi tin công nghệ cao là yếu tố bắt buộc phải có trong việc thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế cho dù áp dụng vào bất kỳ lĩnh vực nào. Hội nhập với chúng tôi vừa là thách thức, vừa là cơ hội.
Thị trường chúng tôi đang cung cấp rất lớn, các doanh nghiệp nước ngoài khi tham gia vào thị trường Việt Nam sẽ cùng chúng tôi thúc đẩy nhanh sự phát triển thương mại điện tử tại Việt Nam.
Và đây cũng là động lực và cơ hội cho chúng tôi học hỏi thêm từ họ. Vì vậy, tôi nghĩ thách thức và cơ hội này là điều thuận lợi cho các công ty khởi nghiệp Việt Nam, giúp họ tiếp cận thị trường toàn cầu từ những ngày mới hình thành ý tưởng.
– Nguyễn Dương Huy Vũ: Chúng ta hay nói: “Khắc phục điểm yếu và phát huy điểm mạnh“, nhưng tôi lại thích câu ngược lại: “Phát huy điểm mạnh và bỏ qua điểm yếu“. Nghĩa là chúng ta nên tập trung vào điểm mạnh thay vì chạy đua theo cái mình đang yếu.
Với xu hướng hội nhập và Việt Nam đang bước vào thế giới phẳng, việc gia nhập cuộc đua công nghệ là cần thiết, song nếu gia nhập mà “quên” đi mình mạnh điểm nào để phát huy và phát triển thì sai lầm.
Vì vậy, quan điểm của tôi là cái gì mạnh thì mình làm. Ví dụ, hiện nay mình có tiềm năng về nông nghiệp nhưng du lịch lại đem về lợi nhuận cao hơn gấp nhiều lần, vậy thì tại sao mình không tập trung vào điểm mạnh này để phát huy.
Theo tôi, nếu không là thế mạnh thì hãy xem công nghệ là công cụ để phục vụ các thế mạnh khác, không nhất thiết phải chạy theo hay gia nhập công nghệ bằng mọi cách. Bởi phát huy thế mạnh cũng là cách thoát đói nghèo và tụt hậu.
– Ngoài công nghệ, theo anh, đâu là những lĩnh vực tiềm năng mà giới trẻ Việt Nam có thể đưa ra ý tưởng với khả năng gọi vốn khả thi?
– Đặng Hoàng Minh: Theo tôi, đó có thể là lĩnh vực nông nghiệp. Việt Nam là nước nông nghiệp, xuất khẩu lúa gạo, cà phê đều đứng trong nhóm đầu của thế giới nhưng bị hạn chế về chất lượng.
Cho nên, tôi nhận thấy những dự án cung cấp về công nghệ, quy trình trồng trọt, hệ thống phân phối nông sản… để cải thiện chất lượng và hệ thống phân phối nông sản Việt Nam sẽ có tính khả thi, nếu có cơ hội, tôi sẽ làm nhiều hơn về lĩnh vực này.
Thứ hai là mảng giáo dục, ở nước ngoài có mô hình Open University (học đại học qua mạng) mà chất lượng không thua kém khi đến trường (như ở Úc, 5 trường đại học hàng đầu nước này liên kết về chương trình, sau đó dạy qua mạng nhưng học viên vẫn thu thập được kiến thức bổ ích và bằng cấp của họ vẫn được xã hội công nhận).
Theo tôi, mô hình này rất hữu ích vì không phải ai cũng có thời gian đến trường, và hơn nữa, có thể tránh tình trạng quá tải cho các trường đại học.
– Các nhà đầu tư trước khi rót tiền cho startup thường quan tâm đến “một vấn đề nhỏ”, đó là các bạn có thể thay đổi được thế giới hay không. Nhưng dường như đặc điểm chung của nhiều startup tại Việt Nam là khi thành công, họ thường hài lòng quá sớm, bắt đầu tự mãn và không còn duy trì niềm đam mê ban đầu. Hai khái niệm “đam mê” và “thành công” có ý nghĩa thế nào với các anh?
– Nguyễn Dương Huy Vũ: Trên thế giới, một công thức kinh doanh phải gồm: Ý tưởng cộng với hay, lớn và nhân văn. Nhưng tâm lý chung của đa số các bạn trẻ Việt Nam là lúc đầu cũng đam mê, nhưng khi thành công rồi thì lại nghĩ làm sao kiếm được nhiều tiền để hưởng thụ chứ không tiếp tục lăn xả, hy sinh để sống chết vì đam mê như ban đầu.
Vì vậy, các bạn trẻ nên tự hỏi tại sao trên thế giới lại đặt ra công thức kinh doanh như vậy. Quan điểm của tôi: Nếu kinh doanh thành công mà có đủ 4 yếu tố: Ý tưởng + hay + lớn + nhân văn thì đó mới là công việc thú vị và đáng làm. Ngược lại, nếu đích đến của thành công chỉ để có tiền thì cuộc sống đó là thực dụng, không có ý nghĩa.
– Huỳnh Lâm Hồ: Tôi nghĩ, để một doanh nghiệp startup có thể có được thành công nhất định thì đội ngũ phải có sự đam mê và niềm tin rất lớn vào giá trị sản phẩm, dịch vụ mình đang gầy dựng.
Mỗi giai đoạn đều có sự khó khăn và thách thức khác nhau, nếu không có đam mê, tinh thần sẽ xuống dốc và dẫn đến hệ lụy là cả đội ngũ sẽ mất dần nhiệt huyết. Mỗi doanh nghiệp định nghĩa thành công khác nhau, với Haravan, sự hài lòng hay tự mãn quá sớm sẽ không tồn tại vì chúng tôi luôn muốn tạo ra thêm giá trị để gặt hái thành công mỹ mãn.
– Cảm ơn và chúc các anh luôn giữ được niềm đam mê và niềm tin khi đi trên con đường đã chọn!