Sáng sớm tự nhiên đọc một hai bài đều liên quan đến chuyện sinh con trai hay gái, mọi người ngạc nhiên khi chị chủ top có bốn đứa con gái, họ nói với vẻ thảng thốt: “Có bốn con gái cơ à”. Ơ hay thật, bốn con gái hay mấy con gái thì đã sao nhỉ? Đúng là câu hỏi mang đậm phong cách châu Á, cụ thể hơn là Việt Nam, sâu hơn nữa là trong não của một phần không nhỏ những người cổ hủ lạc hậu. Trong cái lòng chảo của tư tưởng chậm tiến đó thì người phụ nữ còn khốn khổ đến bao giờ?
Sinh ra một đứa con trai nếu nó hiếu động, hoạt ngôn thì được khen: “Thằng bé này nhanh nhẹn thông minh quá”, còn “mỹ từ” dành cho đứa con gái tương tự thì sẽ bị phán là “Ối trời, con bé này ghê gớm từ bé”, ngay cả tiếng khóc của con cũng bị phân biệt đối xử bởi con trai thì được cái quyền “Khóc khoẻ, khóc sang sảng” còn con gái mà khóc thế hả “Đanh đá từ khi lọt lòng”. Lớn hơn một chút khi các con đi học, có vẻ như con gái được quyền làm nhẹ hơn con trai một chút nhưng cứ thử đưa lên bàn cân mà xem, cùng một công việc, cùng một kết quả như nhau, con trai sẽ được lăng xê nhiều hơn là cái chắc; tại vì mang tiếng con trai mà cháu nó làm được vậy.
Học xong đi làm nhé, sao mà nhiều công ty có cái tiêu đề: "Ưu tiên nam" thế không biết. Có công ty họ chẳng phân biệt nam nữ đâu nhưng nữ thì phải 7,0 hoặc 8,0 trở lên, còn nam chỉ cần 6,5 là qua được cái vòng hồ sơ rồi, hay nhỉ? Vào công ty đến lúc bình bầu, mấy chị em cứ xác định là năm nào nghỉ đẻ, tháng nào nghỉ con ốm sẽ ra ngay khỏi danh sách bầu chọn tiên tiến ngay từ đầu đi cho đỡ tủi.
Để cân nhắc xem trong hai người ai sẽ được bổ nhiệm lên chức cao hơn. Hai người này thời gian công tác ngang nhau, kinh nghiệm như nhau, thành tích đều nhau, thế thì chị kia dù có giao tiếp tốt hơn cũng chờ để anh này lên chức trước đi. Chị thắc mắc? Đơn giản vì chị là phụ nữ, thể nào chẳng có lúc vướng bận con cái, mà chị uống rượu tiếp khách sao giỏi bằng anh kia được. Thế nên cứ chờ tý đi.
Phụ nữ có thiên chức cao cả là sinh con nhỉ? Vâng, 9 tháng 10 ngày mang thai trăm bà thì trăm kiểu nghén trăm cái sướng, cấm có cái sướng nào khác cái sướng nào. “Nhất chị nhé, mang thai được chồng chiều”, con là con chung, chồng chị đã chẳng phải mang bọc con trong người trong suốt gần 300 ngày thì anh có quan tâm hơn tới chị cũng bình thường chứ sao lại tặng từ “Sướng” cho chị được? Đúng là chị cũng có “Sướng” hơn một số các chị khác thật vì mấy chị kia còn vớ phải mấy lão vợ bầu bí mà chẳng quan tâm đến vợ, bia rượu tẹt ga, bao nhiêu việc nhường vợ hết. Thế là mấy chị kia cũng đành chịu chứ sao, chỉ biết ngậm ngùi dành tặng chồng cái chữ: "Vô trách nhiệm” và nuốt nước mắt vào trong.
Hết thời gian mang thai, phụ nữ đi đẻ, các anh cũng nghe các cụ nói là “đau như đau đẻ” nhưng mà nghe vậy thôi chứ biết làm sao mà đau đẻ là thế nào nhỉ. Nhiều anh nhìn vợ kêu gào quằn quại cũng chỉ biết rớt nước mắt nắm tay động viên vợ mà chẳng thể chia sẻ, thế cũng làm vợ đỡ tủi thân hơn nhiều lắm đó. Ấy thế cũng còn hơn nhiều mấy anh vợ đi đẻ mà cấm thấy mặt đâu vì còn gục trên bàn rượu chưa tỉnh hoặc đang kề vai sát cánh mới mấy cô gái trẻ hay mấy anh rỗi hơi khác.
Các cụ có câu “Chửa cửa mả”, bé làm sao mà hiểu, lớn tý nghe rồi thắc mắc làm gì đến nỗi thế nhỉ. Thế mà đúng thế thật, biết bao phụ nữ mất mạng từ khi còn mang trong mình sinh linh nhỏ bé vì đủ thứ bệnh không lường trước. Yên ổn 9 tháng 10 ngày đến khi đi sinh, tạm biệt người nhà vào phòng đẻ cũng không ít chị kém may mắn vì không được gặp lại người thân, mang nặng đẻ đau nhưng lại chẳng thể ôm con trong tay. Những nỗi đau đó chỉ có mấy bà mấy chị mới thấu tận xương tuỷ.
Mình từng đi mổ chửa ngoài tử cung. Đau quá. Nằm trong cái phòng hậu phẫu đó, tự nhiên lại có ý nghĩ khéo thôi chẳng đẻ nữa, không khéo lại chết từ khi mang thai. Thế thì cũng ích kỷ nhỉ! Còn nếu đẻ nữa ước gì đẻ con trai để con gái không phải mang nặng đẻ đau, thế có phải trọng nam khinh nữ không?
Người phụ nữ sinh con gái nuôi cho ăn cho học, dạy dỗ lễ nghĩa, rồi sẽ gả con đi lấy chồng. Phải gả cho đúng điệu không các con gái yêu bị gọi là “bom nổ chậm". Còn con trai ấy hả, có lấy vợ muộn tý là do “bận lo cho sự nghiệp”, cao cả lắm. Nhà trai có bê mâm cao cỗ đầy thế nào thì cũng làm sao sánh bằng những ngày tháng bố mẹ đã nuôi cô dâu. Ấy vậy mà: "Giờ con đã là vợ người ta, là dâu con nhà người ta". Vợ người ta, con người ta thì vẫn là con của bố mẹ đẻ ra cơ mà, sao lại dễ dàng “mất” con vì mấy mâm lễ được chứ? Chỉ vì đẻ con gái à? Thế đẻ con trai lãi quá thể cơ.
Đẻ con gái, gả con đi lấy chồng, người phụ nữ rồi sẽ được gọi là: Bà ngoại. Cũng chính do đó càng thấu hiểu và thương con gái hơn. Chẳng khó hiểu khi bà ngoại chăm con hơn, chăm cháu hơn bà nội vì bà đang chăm “khúc ruột” cắt ở cơ thể mình ra, chăm “khúc ruột” cắt ở cơ thể con gái mình nữa mà. Chắc cũng có người bảo đầy bà nội thương con chăm cháu hơn bà ngoại, đúng là cũng có nhưng chỉ là con số vô cùng hiếm, mà có thì chắc hẳn cũng phải có lý do. Biết bao giờ tư tưởng cổ hủ: “Trọng nam khinh nữ” mới được dẹp bỏ nhỉ? Chắc đường còn dài lắm.
Hỡi những chàng trai, những cậu bé con thời nay, hãy văn minh nhé, hay tân thời nhé, đừng nhét cái cụm từ “ trọng nam khinh nữ” vào cái óc xinh đẹp của mình.
Hỡi những cô gái, những cô bé con, hãy tự tin con nhé, phải biết bảo vệ mình. Hãy mạnh mẽ để dần dẹp bỏ cái tư tưởng cổ hủ kia. Thời nay nhiều người đã giúp người thân “giác ngộ” được sự tiên tiến, nhưng cũng không ít người vẫn quay cuồng trong cái lòng chảo cổ hủ đó mà chẳng thoát được ra. Đành tặc lưỡi cố vài chục năm nữa là sang kiếp khác song cũng luôn hừng hực hy vọng thế hệ sau thay đổi nhiều điều.
.St Anh Lê
Post a Comment