Với một loạt điều khoản giúp tăng cường tiếp cận các thị trường xuất khẩu, dự kiến xuất khẩu của Việt Nam sẽ có cơ hội lớn ngoài thị trường truyền thống. Xét về tác động kinh tế, WB trong báo cáo gần đây có nhận xét TPP có thể đóng góp tăng tới 8% vào GDP của Việt Nam, 17% vào kim ngạch xuất khẩu thực tế và 12% vào trữ lượng vốn quốc gia trong vòng hai mươi năm tới.
Một trong những điểm quan trọng nhất trong các điều khoản của TPP đó là thỏa thuận dỡ bỏ hàng rào thuế quan và giảm thuế suất đối với một số sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ từ các nước trong khối TPP. Nhìn ở góc độ tích cực thì đây là một tín hiệu rất tốt cho các sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam mặc dù để được hưởng các ưu đãi này trước tiên hàng xuất của chúng ta phải đáp ứng một loạt tiêu chí về vệ sinh, an toàn thực phẩm và các tiêu chí kiểm định chất lượng khắt khe khác. Rõ ràng xét về dài hạn đây là một lợi ích thương mại rất lớn với nền kinh tế chúng ta. Tuy nhiên trong ngắn hạn, tác động trực tiếp và rõ ràng rất có thể quan sát thấy đó là ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn thu của chính phủ thông qua việc miễn/giảm thuế suất nhập khẩu từ các nước trong khối TPP.
Nếu những lợi ích vĩ mô dự đoán từ TPP phát sinh, và đóng góp đáng kể vào sự tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong lĩnh vực đầu tư, thương mại và tạo việc làm, việc giảm nguồn thu từ thuế quan có lẽ sẽ được bù đắp nhiều hơn bởi các nguồn thu phát sinh từ các loại thuế khác (thuế TNCN, thuế TNDN, GTGT…). Điều đó có nghĩa rằng, tác động trước mắt, và tác động rõ ràng nhất là việc giảm thu NSNN.
Về NSNN, Chính phủ ước tính vào tháng 9 năm 2015, tổn thất nguồn thu thuế trong khoảng thời gian từ năm 2016 đến năm 2025 vào khoảng 77 triệu USD do việc thông qua các Hiệp định thương mai tự do (FTA) như TPP.
Vấn đề đặt ra ở đây là trong ngắn hạn Chính phủ sẽ phản ứng thế nào với việc giảm nguồn thu này trong bối cảnh nợ công đang gần kịch trần. Có hai phản ứng có thể xảy ra, thứ nhất là bù đắp từ các nguồn thu khác và thứ hai là cố gắng giảm thiểu độ ảnh hưởng.
Phản ứng đầu tiên khi một quốc gia bị giảm nguồn thu từ một loại thuế, chính phủ sẽ chủ động hơn trong việc thực thi và thu thuế các loại thuế khác. Cụ thể là tăng cường hoạt động kiểm tra trong lĩnh vực hải quan, thuế TNCN, thuế TNDN và thuế GTGT. Các hoạt động kiểm tra trên có thể buộc các cá nhân và DN tuân thủ thuế tốt hơn, tăng cường độ chính xác khi quản lý, lưu trữ và duy trì chứng từ, hồ sơ thuế và trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế.
Một phản ứng khác là giám sát và thi hành chặt chẽ các điều kiện để được hưởng lợi từ Hiệp định TPP. Điều này có thể bao gồm việc thực thi nghiêm ngặt các yêu cầu về xuất xứ. Thông qua sự giám sát nghiêm ngặt, minh bạch đối với các quy định về thủ tục xuất xứ và các luật lệ để xác định vi phạm, cơ quan hải quan có thể đảm bảo rằng hàng hóa không đáp ứng đầy đủ các yêu cầu sẽ không được hưởng các quyền lợi ưu đãi thuế và do đó sẽ chịu thuế cao hơn. Điều này chính là kinh nghiệm của các DN áp dụng một số Hiệp định thương mai tự do hiện có mà Việt Nam tham gia, ví dụ như Hiệp định thương mai tự do ASEAN.
Chưa rõ Chính phủ Việt Nam sẽ lựa chọn phản ứng nào, có thể một trong hai hoặc có thể cả hai. Tuy nhiên, dù Chính phủ lựa chọn phản ứng nào đi chăng nữa, môi trường chính sách thuế sẽ phải trở nên minh bạch hơn, các doanh nghiệp không những sẽ phải tuân thủ chặt chẽ việc nộp thuế mà còn phải đảm bảo đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn về hàng hóa xuất khẩu để một mặt được hưởng các lợi thế do TPP mang lại, mặt khác có đủ sức cạnh tranh trên thị trường nội địa và toàn cầu.
.St Vef
Post a Comment