Tuổi thơ nghèo khó
Sinh ngày 19/07/1953 trong một gia đình nghèo ở khu ổ chuột tại thị trấn Brooklyn, New York, Howard Schultz không có điều kiện để học hành bởi gia đình ông quá nghèo. Để có tiền trang trải học phí ông đã từng phải đi bán máu.
Tuổi thơ của ông là những tháng ngày không êm đềm như bao đứa trẻ khác khi thường xuyên phải chứng kiến cảnh bố mẹ tranh cãi nhau về việc đi vay tiền hay phải trả lời những cuộc điện thoại của chủ nợ. Bất hạnh dường như vẫn bám riết lấy gia đình Howard Schultz khốn khổ khi căn bệnh ung thư hiểm nghèo đã cướp đi người bố mà ông kính trọng.
Howard Schultz - CEO Starbucks
Mất mát quá lớn đó dường như đã làm thay đổi cách suy nghĩ của Howard Schultz, ông chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ làm chủ một công ty nhưng từ sâu thẳm trái tim mình ông luôn khát khao rằng nếu mình đứng ở một vị trí có thể tạo ra được sự khác biệt nào đó thì ông sẽ không bao giờ bỏ mặc những người đứng ở phía sau.
Quyết định táo bạo và ngã rẽ cuộc đời
Năm 1982, Howard Schultz quyết định bỏ việc ở Hammarplast (Mỹ) với mức lương cao để đầu quân cho một nhà bán lẻ ở Seattle với vị trí trưởng phòng marketing khi mà lúc đó công ty này chỉ có vỏn vẹn năm cửa hàng.
Quyết định táo bạo của ông lúc đó vấp phải sự phản đối của rất nhiều người, trong đó gay gắt nhất là mẹ của ông. Bà không bao giở tưởng tượng được rằng con trai mình có thể từ bỏ một sự nghiệp đang trên đà phát triển tại một công ty có tiếng như vậy để về làm cho một doanh nghiệp địa phương nhỏ bé.
Lý do mà Howard Schultz quyết định đầu quân về Starbucks đó chính là nhà lãnh đạo tài ba này đã sớm nhìn ra được triển vọng của nó trong tương lai. Ông hoàn toàn bị quyến rũ bởi hương vị tuyệt vời của cà phê rang sẫm, bởi cái không khí mới lạ pha trộn chút hiện đại của Starbucks khi nằm ở giữa vùng quê Seattle. Sự mê hoặc đó đã trở thành động lực thúc đẩy Schultz thực hiện khát khao thành công của mình.
Cuộc đời Howard như bước sang một trang mới khi ông trở thành CEO của Starbucks vào năm 1987, chỉ sau 5 năm ông về làm việc. Với bản lĩnh và tư cách của một doanh nhân, ông đã đứng ra thuyết phục các nhà đầu tư tin vào những chiến lược kinh doanh mà ông đã vạch ra cho công ty. Từ đó, Starbucks bắt đầu ăn nên làm ra.
Tuy nhiên, sự khác biệt về tầm nhìn và triết lý kinh doanh đã khiến cho mối quan hệ giữa ông và đội ngũ lãnh đạo trở nên rạn nứt. Howard Schultz quyết định bỏ ra ngoài và thành lập II Gionarle để cạnh tranh trực tiếp Starbucks.
Quyết định táo bạo này đã khiến Schultz phải chạy vạy vay vốn khắp nơi để có thể thành lập và duy trì được công ty. Ngay từ những ngày đầu thành lập II Gionarle, Schultz đã chú trọng ngay đến việc tìm kiếm các nhân tài và tập trung xây dựng văn hóa doanh nghiệp bởi ông biết rằng cần phải tạo ra sự khác biệt không chỉ ở sản phẩm mà còn ở tất cả các nhân viên. Ông tin rằng điểm khác biệt đó sẽ tạo ra được dấu ấn đối với khách hàng, hình ảnh của doanh nghiệp sẽ in sâu vào tâm trí họ một cách tự nhiên nhất.
Howard Schultz đã từng có chia sẻ khá thú vị với báo giới: "Chúng tôi không cần tuyển những người có nhiều kinh nghiệm. Chúng tôi cũng không cần tuyển những người phải được đào tạo chính quy. Chúng tôi tuyển những người yêu thích công việc, yêu cà phê, thể hiện niềm đam mê với cà phê. Việc đào tạo kỹ năng là phần việc sau này", chính điều này mới tạo nên bản sắc của một doanh nghiệp.
Cuộc bứt phá ngoạn mục của một thương hiệu vùng quê
Kể từ khi Schultz ra đi, Starbucks sụt giảm doanh số nghiêm trọng đến mức không thể cứu vãn được nữa, các ông chủ của Starbucks đã phải bán lại công ty của mình. Và một lần nữa, Howard Schultz lại lo tài chính để mua lại công ty cũ. Giờ đây, Starbucks đã nằm gọn trong tay của ông . Tham vọng chiếm lĩnh thị trường là động lực giúp ông đưa Starbucks ra khỏi Seattle lấn sân sang các địa phương khác.
Suốt mười năm chinh chiến cùng đồng đội là những nhà điều hành sáng suốt và dày dặn kinh nghiệm, Howard Schultz đã đưa Starbucks từ một doanh nghiệp địa phương với vỏn vẹn chỉ có 5 cửa hàng trở thành một tập đoàn quốc gia với hơn 8.600 cửa hàng và 25.000 nhân viên phục vụ.
Thương hiệu cà phê Starbucks
Năm 1992, Starbucks đã có bước nhảy vọt đáng kinh ngạc khi tiến hành IPO (việc chào bán chứng khoán lần đầu tiên ra công chúng) và trở thành công ty đại chúng. Đây là ước mơ của bất kì một ông chủ doanh nghiệp nào nhưng đằng sau sự thành công đó Starbucks cũng gặp phải không ít vấn đề .
Đạt đến đỉnh cao danh vọng, nhưng việc đối mặt với phố Wall, với những kỳ vọng về tài chính có thể khiến Starbucks đi chệch hướng. Nhưng thật may mắn là Starbucks có được Howard Schultz – vị CEO với lòng say mê cà phê sâu sắc đã cầm cương luôn giữ cho công ty không đi xa quá các giới hạn và tầm nhìn chiến lược của mình. Và cùng với sự ra đời của các sản phẩm mới, Starbucks cũng không ngừng kết nối và hợp tác với nhiều đối tác để nâng cao vị thế cạnh tranh của mình, đó là một chiến lược khôn ngoan.
Dù thống lĩnh thị trường cà phê thế giới là vậy nhưng xung quanh Starbucks vẫn luôn có rất nhiều đối thủ cạnh tranh như The Coffee Beans, Gloria Jean’s… hay đơn giản như ở Việt Nam thì gã khổng lồ này phải đối mặt với Tập đoàn cà phê Trung Nguyên hay Highland Coffee.
Nhưng với hương vị khác biệt trong từng cốc cà phê cộng với cách chọn vị trí của cửa hàng, Starbucks vẫn lôi cuốn được những vị khách khó tính nhất. Khách hàng khi đến với Starbucks có thể tận hưởng trọn vẹn sự hòa trộn độc đáo giữa hương vị đậm đặc của tách cà phê phin pha trộn với hương vị thơm thoảng của cà phê Folgers giữa không gian nghệ thuật hài hòa, hòa quyện giữa phong cách sang trọng quý phái và bình dị.
Khách hàng đến với Starbucks đủ mọi mọi tầng lớp nhưng khi đến đây hầu hết họ đều cảm nhận được không khí ấm cúng, thân hữu, không phân biệt tầng lớp. Đây chính là điểm khác biệt và cũng là điểm mạnh nhất của Starbucks mà các đối thủ khác không có được.
Hơn thế nữa, tính quần chúng, chiêu khách khôn ngoan của Starbucks đã được Howard Schultz tận dụng triệt để, thể hiện ngay trên các sản phẩm cà phê dành cho phụ nữ và trẻ em không bao giờ uống cà phê. Chính bởi vậy, từ dân nghiền cà phê nhà nòi đến các tay uống cà phê lơ mơ đều có thể kiếm được một ly cà phê hợp với trình độ và khẩu vị thưởng thức cà phê của mình. Những điều này, các đối thủ cạnh tranh của Starbucks đều chưa làm được. Và đó cũng là lý do tại sao Starbucks lại trở thành ông vua thị trường cà phê thế giới.
Thành công có được ngày hôm nay không chỉ nhờ vào bản lĩnh kinh doanh, tầm nhìn chiến lược sâu rộng mà trên hết còn có niềm đam mê, nhiệt huyết và ý chí bền bỉ, quyết tâm theo đuổi ước mơ đến cùng ngay cả trong những lời chế giễu của kẻ khác. Câu chuyện khởi nghiệp của vị CEO đi lên từ hai bàn tay trắng này là bài học vô cùng ý nghĩa với những ai đang xây dựng sự nghiệp và nỗ lực theo đuổi giấc mơ của mình.
“Mọi công ty đều có thể phát triển lớn mạnh mà không cần phải đánh mất sự đam mê và cá tính vốn có, miễn sao nó không bị lèo lái bởi những đắn đo về lợi nhuận, mà thay vào đó là những giá trị thực. Chìa khóa thành công nằm ở trái tim. Tôi dốc hết trái tim mình vào từng tách cà phê và các đối tác của tôi ở Starbucks cũng vậy. Khi khách hàng cảm nhận được điều đó, họ luôn đáp lại bằng tấm lòng trân trọng”, đó là những chia sẻ rất thật của một CEO đi lên bằng chính đôi chân của mình với một tình yêu mãnh liệt với từng hạt cà phê.
Chỉ cần dốc hết trái tim vào từng việc mình làm, chúng ta có thể đạt được những ước mơ mà người khác cho rằng không thể. Đó là điều viết nên câu chuyện cuộc sống thành công với một kết thúc có hậu!
Theo: Vietnamcoffee
Post a Comment